XÃ NẬM CHÀY: NỖ LỰC TRIỂN KHAI CÁC MÔ HÌNH, DỰ ÁN SINH KẾ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA NĂM 2025
Những năm gần đây trong lĩnh vực nông nghiệp, xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai được sự quan tâm của các cấp ngành, sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, xã đã từng bước khắc phục khó khăn, triển khai hiệu quả các mô hình, dự án sinh kế thuộc các chương trình Mục tiêu quốc gia, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và thúc đẩy công cuộc giảm nghèo theo hướng bền vững.
Thực hiện Kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn một số hoạt động thuộc lĩnh vực nông nghiệp đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Ngày 06/5/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã tổ chức đoàn công tác làm việc tại xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn. Tại đây, đoàn đã tiến hành kiểm tra, hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tại địa phương.
Theo báo cáo của UBND xã, Nậm Chày là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Văn Bàn, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 552,45 ha, diện tích rừng 6.696,8 ha (độ che phủ trên 71%), toàn xã có 08 thôn 570 hộ (3.395 nhân khẩu), dân tộc H’Mông chiếm 99,63%. Số hộ nghèo 169 hộ chiếm 29,6%, hộ cận nghèo 112 hộ chiếm 20%,… Đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện các mô hình nông nghiệp trọng điểm đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các dự án, chương trình sinh kế được triển khai đúng tiến độ, mang lại hiệu quả rõ rệt cả về kinh tế lẫn xã hội.
Đại diện UBND xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn báo cáo và đề xuất nội dung làm việc với đoàn Sở Nông nghiệp và Môi trường Lào Cai
Trong vụ đông xuân năm 2025, toàn xã đã gieo mạ và chuẩn bị điều kiện gieo trồng cho 190 ha lúa, hoàn thành 100% kế hoạch đề ra, diện tích ngô đạt 130 ha, rau màu các loại đạt hơn 30 ha. Việc mở rộng sản xuất cây lương thực và rau màu không chỉ đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ mà còn tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Chăn nuôi tiếp tục là lĩnh vực chủ lực của xã với tổng đàn gia súc đạt 3.022/3.293 con (đạt 92% kế hoạch), gia cầm 8.876/13.000 con (đạt 68,27%). Các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đang được triển khai rộng rãi, với sự hỗ trợ và hướng dẫn từ cán bộ khuyến nông cơ sở, nhằm nâng cao năng suất và đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, xã đã triển khai nhiều mô hình sản xuất mới gắn với điều kiện tự nhiên và nhu cầu thị trường, điển hình như: Trồng gừng trâu 15 ha, với sự tham gia của 38 hộ dân; Trồng măng lộc trúc 4 ha, 12 hộ tham gia; Trồng quýt 10 ha, 17 hộ tham gia; Mô hình trồng bí đồng tiền 2 ha, do 1 hộ dân triển khai thử nghiệm. Các giống cây trồng được lựa chọn kỹ càng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, có khả năng sinh trưởng tốt và được người dân đánh giá cao về tiềm năng phát triển lâu dài.
Triển khai Nghị quyết 10/NQ-TU của Tỉnh ủy Lào Cai, xã Nậm Chày đã chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó là thực hiện đa dạng các mô hình sinh kế thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia năm 2025, nhằm giúp người dân tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và từng bước hình thành tư duy sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Tại buổi làm việc, UBND xã đã đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung quan trọng nhằm duy trì và phát huy hiệu quả kết quả đã đạt được, như: Phân bổ nguồn vốn sớm ngay từ đầu năm để đảm bảo đúng thời vụ gieo trồng; Hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất và xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp; Mở rộng đối tượng thụ hưởng các dự án hỗ trợ sinh kế,…
Đoàn công tác Sở Nông nghiệp và Môi Trường làm việc với UBND xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn
Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lào Cai cũng ghi nhận những kết quả đã đạt được và tiếp thu nội dung kiến nghị của xã Nậm Chày trong triển khai các Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thuộc các Chương trình MTQG năm 2025, như: Việc cụ thể hóa Nghị quyết 10/NQ-TU của Tỉnh ủy Lào Cai vào thực tế cuộc sống tại xã Nậm Chày, tiếp tục đổi mới tư duy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thị trường, mở rộng mô hình kinh tế hiệu quả, đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Địa phương cũng đặt mục tiêu nâng cao năng lực người dân thông qua tập huấn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ để hướng đến xây dựng nền nông nghiệp xanh, hiện đại và bền vững. Mặc dù là một trong 10 xã nghèo nhất tỉnh, nhưng Nậm Chày đã cho thấy tinh thần vượt khó và ý chí phấn đấu mạnh mẽ. Những kết quả đạt được là nền tảng quan trọng để xã tiếp tục vươn lên trong thời gian tới. Trong năm 2025, xã Nậm Chày đang xây dựng các thương hiệu sản phẩm từ gừng, hướng đến chứng nhận OCOP, với các sản phẩm như trà gừng, mứt gừng, cao gừng táo đỏ, gừng sấy dẻo, bột gừng, gừng ngâm mật ong rừng,…
Dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, song xã Nậm Chày vẫn đang đối mặt với một số khó khăn vướng mắc như: Công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế và giảm nghèo chưa sâu rộng, thiếu tính hệ thống; Địa hình hiểm trở, giao thông cách trở giữa các thôn bản; Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết và hợp tác trong chuỗi giá trị nông sản,...
Nậm Chày hôm nay không chỉ là một xã vùng cao còn nhiều khó khăn, mà đang dần trở thành hình mẫu về tinh thần vượt khó, đổi mới trong phát triển nông nghiệp - nông thôn. Việc triển khai thực hiện tốt các Chương trình MTQG và Nghị quyết 10/NQ-TU của Tỉnh ủy Lào Cai sẽ tiếp tục là "đòn bẩy" giúp xã hoàn thiện hạ tầng, nâng cao đời sống người dân. Với những hỗ trợ từ tỉnh và sự chủ động của địa phương, Nậm Chày đang trên hành trình trở thành điển hình trong phát triển nông nghiệp miền núi, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo./.