Tăng cường các biện pháp phòng chống nắng nóng cho đàn vật nuôi, thủy sản
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo mùa hè năm 2025 nhiều khả năng nắng nóng sẽ không gay gắt và kéo dài như năm 2024; ở miền Bắc thời tiết nắng nóng cao điểm sẽ diễn ra vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 7, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao xấp sỉ với trung bình nhiều năm, nhiệt độ cao nhất ở miền Bắc khoảng 36-390C, có nơi trên 400C; mực nước trên các sông, suối, hồ chứa giảm. Thời tiết nắng, nóng làm giảm sức đề kháng, vật nuôi dễ bị cảm nắng, cảm nóng; động vật thủy sản dễ mắc bệnh do nhiễm khuẩn, nấm, ký sinh trùng và bị ngộ độc.
Để chủ động phòng, chống nắng nóng bảo vệ đàn vật nuôi, động vật thủy sản, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cần theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo thời tiết để tăng cường các biện pháp kỹ thuật khắc phục tình trạng nắng nóng, thiếu nước, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi, cụ thể như sau:
1. Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm
- Vào những ngày nắng nóng cần kiểm tra chuồng trại, che chắn nắng và làm mát chuồng nuôi bằng cách che phủ thêm lên mái các vật liệu chống nắng nóng tạo sự thoáng mát cho chuồng nuôi, nếu có điều kiện nên bố trí hệ thống phun nước làm mát trên mái chuồng, phun sương trong chuồng nuôi và bố trí đủ quạt điện để quạt mát. Đối với trang trại chăn nuôi bằng hệ thống chuồng kín chủ động nguồn cung cấp điện, nước đảm bảo phục vụ sản xuất (mua máy phát điện, dự trữ dầu máy để chạy máy phát điện khi không có điện lưới).
- Thường xuyên vệ sinh chuồng trại và khu vực xung quanh, định kỳ thu gom phân, rác, chất thải ra ngoài khu vực chăn nuôi xử lý hợp vệ sinh thú y; sử dụng các chế phẩm sinh học phun chuồng trại và ủ phân để giảm mùi hôi thối.
- Giảm mật độ nuôi nhốt trong mùa hè, nắng nóng; tăng cường dinh dưỡng, đảm bảo khẩu phần ăn hợp lý; cung cấp đủ nước uống sạch; bổ sung B-Complex, Vitamin C, chất điện giải vào nước uống để tăng cường sức đề kháng, chống stress nhiệt; định kỳ tẩy ký sinh trùng cho đàn vật nuôi.
- Đối với đàn gia súc lớn, không chăn thả và bắt gia súc làm việc vào những ngày trời nắng nóng, nhất là thời gian từ 10 giờ đến 15 giờ trong ngày. Cần đưa gia súc về chuồng tại hoặc đến các nơi có bóng mát, cây xanh để tránh nắng.
Hình ảnh cơ sở nuôi gà xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng sử dụng chế phẩm sinh học phun chuồng trại
2. Đối với động vật thủy sản
- Các cơ sở sản xuất giống thủy sản bố trí ao nuôi có điều kiện tốt nhất tại cơ sở, bổ sung nước đảm bảo số lượng nước, chất lượng nước phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cá bố, mẹ.
- Nuôi cá trong ao, hồ: Thả bèo tây (bèo lục bình) hoặc làm dàn mướp, bầu, bí trên mặt ao chiếm khoảng 1/3 diện tích ao nuôi để làm chỗ trú cho cá, duy trì mực nước trong ao trong suốt mùa hè từ 1,5 - 2m.
- Nuôi cá lồng, bè trên hồ thủy lợi, thủy điện: Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ đảm bảo nước luôn được lưu thông trong và ngoài lồng, duy trì mức nước 2,5 - 3m, di chuyển lồng về nới râm mát, kín gió. Nếu không di chuyển được cần hạ thấp lưới lồng xuống để đảm bảo nhiệt độ cho cá sinh trưởng và phát triển. Dùng vôi bột cho vào túi vải treo ở các góc lồng nuôi, mỗi lồng 1 - 2 túi, mỗi túi 3 - 4 kg vôi, độ sâu treo túi vôi bằng 1/3 độ sâu mực nước trong lồng nuôi.
- Nuôi trồng thủy sản nước lạnh (cá hồi, cá tầm): Tu sửa lại hệ thống bể ấp, bể ương tránh tình trạng rò rỉ nước, duy trì mức nước trong bể từ 1,5 - 2m, điều chỉnh van cấp nước hợp lý để tránh tình trạng thiếu nước. Trong thời gian nắng nóng, thiếu nước sử dụng thiết bị cần thiết (máy bơm, máy sục khí, máy tạo dòng, thiết bị cung cấp oxy, hệ thống lọc bán tuần hoàn...), thực hiện phương án nuôi duy trì.
- Thường xuyên theo dõi kiểm tra sức khỏe của cá, tính toán mật độ nuôi phù hợp với điều kiện thực tế, khuyến kích dùng các chế phẩm sinh học để xử lý môi trường ao nuôi. Định kỳ 10-15 ngày bón vôi bột, liều lượng 1-1,5 kg/100m3, tăng cường sử dụng máy sục khí vào 5 giờ, 23 giờ, mỗi lần chạy máy từ 1-3 giờ tùy thuộc vào sức khỏe của động vật thủy sản.
- Cho cá ăn từ 3 lần/ngày vào 6 giờ, 18 giờ, 22 giờ đối với cá tầm; cho ăn 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát đối với cá hồi và các loài cá truyền thống. Sử dụng các loại thức ăn đảm bảo chất lượng, không bị nấm mốc, ôi, thiu; điều chỉnh lượng thức ăn theo diễn biến thời tiết, tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường; giảm khẩu phần cho ăn xuống từ 50-70% hoặc ngừng hẳn vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ nước trên 350C; không nên đánh bắt, vận chuyển cá vào thời điểm nắng nóng.
- Tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa, tinh dầu tỏi vào thức ăn cho cá với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Hình ảnh ông Nguyễn Duy Triệu - cán bộ thủy sản tỉnh Lào Cai hướng dẫn hộ nuôi thủy sản tại xã Cốc San, thành phố Lào Cai sử dụng máy quạt nước để tăng hàm lượng Oxy hòa tan trong nước khi thời tiết nắng nóng kéo dài