Lào Cai đẩy mạnh bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng
Theo báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lào Cai, đến tháng 4/2025, toàn tỉnh đã công nhận 49 làng nghề, làng nghề truyền thống và nghề truyền thống, đóng góp không nhỏ vào việc bảo tồn, nâng cao giá trị văn hóa, lưu giữ các nét đẹp truyền thống, tránh nguy cơ bị mai một, thất truyền và tăng thu nhập tại địa phương,... Đáng chú ý, nhiều làng nghề đã khẳng định thương hiệu nhờ kết hợp phát triển du lịch cộng đồng, mở ra hướng đi bền vững cho người dân.
Trong số 49 làng nghề, làng nghề truyền thống và nghề truyền thống được công nhận, có 19 làng nghề truyền thống (chiếm 38,8%), 10 làng nghề (chiếm 20,4%) và 20 nghề truyền thống (chiếm 40,8%) tập trung vào các nghề như nấu rượu, may thêu thổ cẩm, đan lát, làm hương và chế biến thực phẩm,…. Các làng nghề thu hút trên 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với thu nhập trung bình từ 3,8 - 4,2 triệu đồng/người/tháng.
Nổi bật là 04 làng nghề có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, bao gồm: nấu rượu, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà; chế biến miến dong, xã Bản Xèo, huyện Bát Xát; Nghề chế biến thực phẩm truyền thống dân tộc Nùng (Sản phẩm: Tương ớt Mường Khương); Nghề Đan lát truyền thống dân tộc Tày, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên.
Sản phẩm đan lát dân tộc Tày gắn với điểm du lịch tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên được công nhận là Nghề truyền thống và sản phẩm OCOP tỉnh Lào Cai
Theo ông Đặng Quốc Hùng, Trưởng phòng Phát triển nông thôn và Giảm nghèo, Sở Nông nghiệp và Môi trường Lào Cai cho biết: Đến nay tỉnh đã bảo tồn được 06 làng nghề, 12 làng nghề truyền thống và 23 nghề truyền thống, đồng thời khôi phục 03 nghề mới tại huyện Bảo Yên. Tuy nhiên, nhiều làng nghề vẫn đối mặt với nguy cơ mai một do thiếu lao động có tay nghề, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, và khả năng cạnh tranh thấp,... Điển hình, 2 làng nghề nấu rượu tại Bát Xát và thị xã Sa Pa đã bị thu hồi danh hiệu do không đáp ứng được các tiêu chí theo quy định. Đồng chí cũng nhấn mạnh: "Việc bảo tồn làng nghề không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa mà còn là động lực phát triển kinh tế nông thôn. Chúng tôi đang nỗ lực để kết nối doanh nghiệp, mở rộng giao thương thông qua các hội chợ, hội thảo,… để nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống nói riêng và sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung"
Được biết, từ ngày 14- 15/4/2025 Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường để điều tra, khảo sát thực trạng bảo tồn và Phát triển làng nghề trên địa bàn huyện Bát Xát và thành phố Lào Cai nhằm đánh giá những cơ hội, khó khăn thách thức để tiếp tục đề xuất các nội dung hỗ trợ, quản lý và phát triển làng nghề hiệu quả những năm tiếp theo.
Để phát triển bền vững, tỉnh Lào Cai tập trung vào 10 nhóm giải pháp, trong đó nổi bật là:
(1) Ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
(2) Đào tạo nghệ nhân và lao động, kết hợp chuyển giao kỹ thuật.
(3) Xây dựng thương hiệu và mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ.
(4) Gắn làng nghề với du lịch cộng đồng, phát triển các điểm du lịch được công nhận.
Như vậy, với mục tiêu trở thành điểm đến du lịch Văn hóa - Làng nghề, Lào Cai kỳ vọng mô hình liên kết "Làng nghề - Du lịch - Nông thôn mới" sẽ tạo đà tăng trưởng, hướng đến tầm nhìn 2030- 2045. Đây không chỉ là cơ hội phục hồi làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền,… mà còn mở ra sinh kế ổn định cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn./.