Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương và Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai từ tháng 1-2 xảy ra các đợt rét đậm, rét hại, nền nhiệt độ thấp hơn TBNN. Đến tháng 3 và 4/2025, nền nhiệt có xu thế tăng nhẹ và xấp xỉ bằng TBNN cùng thời kỳ. Từ tháng 5 đến tháng 6/2025 dự báo số ngày năng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng nhiều hơn so TBNN. Lượng mưa từ tháng 3 - 6/2025 có xu thế nhiều hơn TBNN từ 10 - 30%, về cuối vụ xuất hiện mưa rào và dông đan xen, khu vực vùng cao và núi cao cần đề phòng hiện tượng cực đoan như mưa đá, lốc xoáy, sét đánh, gió giật mạnh trong cơn dông gây thiệt hại, tổng lượng mưa phổ biến từ 180-300mm; cục bộ có nơi trên 500mm. Nhìn chung thời tiết tương đối thuận lợi cho công tác gieo cấy đầu vụ đảm bảo đúng tiến độ, cây trồng sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, thời tiết trong vụ diễn biến phức tạp, thuận lợi cho sinh vật phát triển và gây thiệt hại đến năng suất và cây trồng nếu không được phòng trừ kịp thời. Chi cục Thú y và Bảo vệ thực vật dự báo cao điểm một số đối tượng sinh vật hại trên cây trồng chính có thể gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây trồng như sau:
Trên cây trồng chủ lực:
Cây chè: Rầy xanh thường phát sinh gây hại quanh năm trên nương chè, song gây hại nặng tháng 3-5 hàng năm. Các nương chè non mới trồng khoảng 4-5 tháng tuổi, khi bị rầy gây hại nặng kéo dài có thể bị chết hàng loạt; Nhện đỏ phát sinh gây hại, đặc biệt lưu ý từ tháng 4-7, nhất là trên các nương chè dại nắng, cằn cỗi, chăm sóc kém, ít cây chè bóng...; Bệnh phồng lá: gây hại mạnh giữa tháng 3 - giữa tháng 4, nhất là quanh chân các nương chè có độ ẩm cao, nhiều bóng râm. Ngoài ra, cần chú ý theo dõi bọ xít muỗi, bệnh thối búp, bệnh chấm xám, bệnh đốm nâu, bệnh chết loang, ... gây hại rải rác.
Cây chuối: Sâu đục thân, đục củ chuối: phát sinh gây hại quanh năm, nhất là trên các vườn chuối trồng lâu năm, vệ sinh chăm sóc kém; Bọ giáp (bọ cánh cứng gặm vỏ quả): Gây hại quanh năm trong vườn chuối, phát triển sinh sản mạnh trong mùa mưa, thường hại nặng trong các vườn chuối già cỗi, lâu năm, chăm sóc kém; Bệnh héo rũ Panama phát sinh gây hại trên các nương chuối trồng trên 3 năm, sau các đợt mưa kéo dài. Ngoài ra bệnh cháy lá, sâu đục thân, bọ nẹt… gây hại rải rác;
Cây dứa: Bệnh thối nõn thường phát sinh gây hại nặng nhất từ tháng 1 đến tháng 3, bệnh hại nặng khi điều kiện thời tiết lạnh và ẩm ướt. Các nương dứa bón nhiều đạm, bón phân không cân đối bệnh sẽ hại nặng hơn; Rệp sáp: xuất hiện và gây hại phổ biến trên các nương dứa, rệp sáp sinh trưởng rất nhanh, phát sinh mạnh trong thời tiết nóng và ẩm. Vòng đời từ 40-60 ngày nên có nhiều lứa gối tiếp gây hại quanh năm, nhất là các tháng mùa khô hạn, các nương dứa chăm sóc kém rệp gây hại nặng hơn; Nhện đỏ phát sinh gây hại mạnh trong điều kiện nắng nóng, khô hạn (thường từ tháng 4- tháng 7), tập trung vào các bẹ lá để chích hút nhựa gây khô đỏ lá, ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất. Ngoài ra, bọ cánh cứng, tuyến trùng, bệnh khô đầu lá, bệnh thối thân, thối gốc dứa, bệnh luộc lá, bệnh thối quả ... hại rải rác.
Cây dược liệu: Trên cây Atiso: Rầy mềm gây hại mạnh khi thời tiết nắng nóng, ẩm độ thấp; Bệnh sương mai: Phát sinh gây hại mạnh khi nhiệt độ môi trường thấp kết hợp ẩm độ cao. Ngoài ra bệnh thối thân, đốm lá, sâu xanh... hại nhẹ; Trên cây đương quy: giai đoạn cây non: Bệnh lở cổ rễ, sâu xám, dế gây hại; giai đoạn cây trưởng thành: Nhện đỏ phát sinh gây hại khi thời tiết khô hạn, sâu xanh, sâu xám, rệp, nhện đỏ; bệnh đốm lá, sùi củ... hại nhẹ; Trên cây cát canh: Sâu khoang, sâu xám, rệp... hại rải rác.
Trên cây trồng chính:
Cây lúa xuân:
Rầy nâu - Rầy lưng trắng: Lứa 1: Rầy cám nở rộ giữa – cuối tháng 3, hại diện hẹp lúa sớm và mạ xuân muộn với mật độ thấp; Lứa 2: Rầy cám bắt đầu nở từ giữa - cuối tháng 4 trên trà lúa sớm, hại mạnh trên diện rộng từ cuối tháng 4 đầu tháng 5 trên trà lúa sớm giai đoạn đòng già - trỗ bông, trà chính vụ đứng cái - làm đòng; đặc biệt chú ý các giống nhiễm (thơm RVT, bắc thơm, hương thơm...), mật độ cao trên 1500 con/m2, cục bộ >3.000 con/m2 có thể gây cháy chòm. Lứa 3: Rầy cám rộ trung tuần tháng 5 trên lúa giai đoạn trỗ - ngậm sữa - chắc xanh, mật độ có thể cao hàng vạn con/m2, nếu không chủ động phòng trừ kịp thời sẽ gây cháy rầy trên diện rộng, đặc biệt chú ý các huyện vùng thấp Văn Bàn, Bảo Thắng, Bát Xát, Bảo Yên, TP Lào Cai; rầy trưởng thành lứa 3 di trú gây hại trên lúa một vụ vùng cao, mật độ cục bộ cao gây cháy chòm ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển.
Sâu đục thân bướm 2 chấm: Sâu non phát sinh rải rác 5-6 lứa/năm gây hại trên cả lúa vùng thấp và lúa vùng cao ở các giai đoạn sinh trưởng. Lưu ý các đợt sâu non: lứa 2 nở rộ cuối tháng 4- đầu tháng 5 (hại mạnh trên lúa xuân chính vụ giai đoạn làm đòng – trỗ bông);
Bệnh đạo ôn lá, cổ bông: Trên lá phát sinh gây hại trên lúa xuân sớm, nhất là trên các giống mẫn cảm BC15, TBR 225, Séng cù... Bệnh phát sinh gây hại rải rác trên mạ và lúa xuân sớm từ trung tuần tháng 2, hại mạnh trên lúa xuân từ cuối tháng 3 - đầu tháng 4, nếu không phòng trừ sớm, khả năng gây lụi cục bộ từng chòm khi điều kiện thời tiết thuận lợi, tỷ lệ hại cao cục bộ > 50% lá; Trên cổ bông phát sinh gây hại trên lúa xuân sớm từ cuối tháng 4- cuối tháng 5 giai đoạn trỗ - ngậm sữa – chắc xanh, bệnh hại nặng ở các giống nhiễm (BC15, TBR225, Thiên ưu 8, Séng cù...), ruộng đã bị nhiễm đạo ôn trên lá, ruộng bón đạm muộn, tỷ lệ hại TB 1 - 5% bông, cao> 10% bông. Nếu không phòng trừ kịp thời có khả năng gây ảnh hưởng nặng đến năng suất cuối vụ.
Ngoài ra, cần chú ý một số đối tượng khác như: bọ xít dài gây hại lúa giai đoạn trỗ bông, ngậm sữa đặc biệt trên các giống lúa chất lượng; nhóm các bệnh vi rút (bệnh lùn sọc đen, vàng lùn, lùn xoắn lá, vàng lá di động, ...); bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn, sâu cuốn lá, sâu năn, ốc bươu vàng, chuột, ... gây hại nhẹ.
Cây ngô: Sâu keo mùa thu là đối tượng gây hại chính, tiếp tục phát sinh gây hại ngay từgiai đoạn ngô 3-5 lá đến khi ngô trỗ cờ - phun râu.
+ Thời kỳ cây con: Sâu xám, sâu keo mùa thu, sâu khoang, dế, mối, bệnh lùn sọc đen-lùn xoắn lá, bệnh bạch tạng...
+ Thời kỳ phát triển - vươn đốt chú ý: sâu keo mùa thu, sâu đục thân, sâu cắn lá, bệnh lùn sọc đen, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá....
Thời kỳ trỗ cờ - phun râu cần chú ý rệp cờ, sâu đục thân, đục bắp, sâu keo mùa thu, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá, rỉ sắt... gây hại.
Trên cây trồng khác
Cây đậu tương: Ruồi đục thân, sâu xám hại chủ yếu giai đoạn cây con. Sâu cuốn lá, rệp, bọ trĩ, sâu đục quả, bệnh gỉ sắt hại mạnh giai đoạn phân cành - nụ hoa - quả cuối tháng 4 đến cuối vụ.
Cây ăn quả ôn đới: (Mận, đào, lê) Rệp mềm hại trong giai đoạn ra hoa, lá và lộc non cuối tháng 2- tháng 4. Bệnh phồng lá, bệnh thủng lá, bệnh gỉ sắt, thán thư hại mạnh từ cuối tháng 3 đến tháng 6. Bọ nẹt, bệnh sẹo quả, bệnh đốm đỏ lá, chảy gôm hại mạnh từ cuối tháng 3- tháng 7. Nhện, rệp hại mạnh khi thời tiết nắng nóng, khô hạn. Ngoài ra, sâu đục thân, cành hại rải rác.
Cây rau: Lưu ý bệnh lở cổ rễ, bệnh sưng rễ, bệnh héo vàng, thối nhũn, bọ nhảy... hại trên rau thập tự; bệnh thối gốc, sâu xám, sâu khoang... hại trên rau muống; bọ phấn, rệp, sâu đục quả, bọ trĩ, phấn trắng, ... gây hại trên cà, bầu bí, đậu đỗ;
Cây hoa: Bệnh héo xanh, đốm lá, rệp hại trên hoa cúc; bệnh đốm đen, sương mai, phấn trắng, sâu đục nụ, rệp, nhện đỏ... hại trên hoa hồng; bệnh thối củ, khảm lá, bọ trĩ, nhện, rệp... hại rải rác trên hoa lyli.
Để quản lý tốt và chỉ đạo phòng trừ các đối tượng sâu, bệnh hại kịp thời, Chi cục Thú y và Bảo vệ thực vật đề nghị cơ quan chuyên môn các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, cụ thể:
(1) Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, cây trồng, rà soát, tổng hợp cơ cấu giống và thống kê diện tích các trà lúa theo thực tế sản xuất, là cơ sở cho công tác điều tra phát hiện dự tính dự báo và chỉ đạo phòng trừ; (2) Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích chăm sóc cây trồng theo chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM và quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), thực hiện ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) như tăng cường sử dụng phân hữu cơ, bón phân cân đối, bón đúng thời điểm, điều tiết nước hợp lý giúp cây khoẻ hạn chế tác hại của sâu bệnh;
(3) Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến dịch hại và hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả khi sâu bệnh mới phát sinh trên diện hẹp. Tham mưu kịp thời cho chính quyền các cấp để chủ động trong công tác chỉ đạo phòng trừ dịch hại hiệu quả tại cơ sở;
(4) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng sớm các biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại cây trồng, thông tin cảnh báo tình hình sâu bệnh hại và hướng dẫn phòng trừ dịch hại theo nguyên tắc 4 đúng; tuyên truyền cho nông dân về mức độ nguy hiểm của các loại dịch hại chính trên các cây trồng để bà con chủ động phát hiện và phòng trừ kịp thời./.
Bọ giáp hại lá, thân, quả chuối
Bệnh thối búp hại chè
Bệnh đạo ôn hại trên lá, cổ bông