Lào Cai khơi thông 'dòng chảy số' ngành nông nghiệp
Lào Cai đang hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp có sản phẩm nông sản xuất khẩu minh bạch thông tin sản phẩm qua 3 ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh.
Bà con trồng quế hữu cơ ở huyện Văn Bàn (Lào Cai) ứng dụng “Nhật ký điện tử QGS” để giúp canh tác dễ dàng hơn
Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Lào Cai đã từng bước khơi thông và lan tỏa mạnh mẽ “dòng chảy” chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo tiền đề hình thành chuyển đổi số, kinh tế số.Thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm nông sản xuất khẩu thực hiện minh bạch thông tin về sản phẩm qua 3 ngôn ngữ phổ biến là tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh nhằm tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực như dứa chế biến, sản phẩm chè, chuối, quế…
Lào Cai là 1 trong 4 địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản từ năm 2017, đến nay Lào Cai đã có 104 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hệ thống minh bạch thông tin, truy suất nguồn gốc nông sản với 328 sản phẩm được gắn mã trên sản phẩm QR Code. Triển khai hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có trên 195 doanh nghiệp,hợp tác xã, cơ sở tham gia tương tác, giới thiệu quảng bá các sản phẩm trên hệ thống với 323 dòng sản phẩm tham gia, nhất là các loại nông sản thế mạnh và đặc sản của 139 chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được cấp xác nhận trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống thông tin quản lý chuỗi sản phẩm nông sản an toàn được cấp xác nhận trên địa bàn tỉnh đảm bảo các chức năng hỗ trợ trong công tác quản lý, hỗ trợ người sản xuất, cung cấp sản phẩm và hỗ trợ người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm.
Lào Cai cũng đã đưa 155 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Qua đó, người tiêu dùng toàn quốc có thể dễ dàng mua nông sản của Lào Cai như: Chè Bắc Hà, Mường Khương (chè Shan hữu cơ của HTX chè Bản Liền) trên các sàn TMĐT quốc tế amazon.vn, alibaba.com; tinh dầu quế,ruốc cá hồi, cá hồi hun khói, tương ớt Mường Khương trên các sàn smartgap.vn, shopee.vn; vidas.vn; sản phẩm mật ong, phấnhoa, sữa ong chúa trên sàn shopee, voso, sendo, lazada; Các doanh nghiệp đã chủ độngphối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tạo website để quảng bá, giớithiệu thương hiệu như: Chè phong hải (phonghaitea.com.vn); Bưởimúc(buoimuc.ocoplaocai.vn); Trà Việt Ô Lon) (muonghoatea.com)… và qua trang tin điện tử “Phiên chợ Khuyến nông”; các trang mạng xã hội zalo, facebook... nhằm giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, hỗ trợ chăm sóc khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Sản phẩm đặc sản Lào Cai trên sàn thương mại điện tử Postmart
Thực tế cho thấy, sức cạnh tranh của các sản phẩm an toàn, chất lượng cùng uy tín của doanh nghiệp, hợp tác xã đã được nâng cao hơn, khách hàng cũng được hưởng lợi nhiều hơn từ các hoạt động này.
Công nghệ số cũng được Lào Cai ứng dụng với công nghệ viễn thám trong điều tra và quản lý tài nguyên rừng. Phần mềm cảnh báo cháy rừng được tích hợp sử dụng bằng máy tính hoặc điện thoại có kết nối internet sẽ hiển thị bản tin cảnh báo cháy rừng từng ngày theo từng khu vực và hiển thị bản đồ cảnh báo cháy rừng một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác.
Trong sản xuất, Lào Cai đã xây dựng và triển khai phần mềm "Nhật ký canh tác" giúp nông dân dễ dàng ghi chép các hoạt động trong canh tác hàng ngày, tiết kiệm thời gian, dễ áp dụng trong thực tiễn sản xuất, góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trong quản lý theo dõi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến từng hộ...
Trong quá trình từng bước triển khai thực hiện chuyển đổi số, ngành nông nghiệp Lào Cai cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ. Nhân lực về công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế, hiện toàn ngành nông nghiệp tỉnh chưa có công chức chuyên trách về công nghệ thông tin; 100% cán bộ, công chức các đơn vị mặc dù đã được đào tạo về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, tuy nhiên phần lớn mới đáp ứng yêu cầu tin học văn phòng, chưa bảo đảm cho lộ trình chuyển đổi số. Chưa có hệ thống quản lý dữ liệu chung của nông nghiệp tỉnh một cách đồng bộ và liên thông, bảo đảm chia sẻ dùng chung...
Để khơi thông "dòng chảy” chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành nông nghiệp Lào Cai đang tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (Big data) của ngành; hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, ngay cả lĩnh vực điều hành, quản lý cũng cần ứng dụng mạnh chuyển đổi số để các chính sách hỗ trợ, chỉ đạo sản xuất kịp thời hơn.
Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; thương mại điện tử; xây dựng các xã nông thôn mới thông minh. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình có sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương được tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử, ...
Đẩy mạnh tập huấn kỹ năng, cách thức bán hàng trực tuyến, khởi tạo các kênh bán hàng trên môi trường mạng, livestream trên các kênh cá nhân, thiết kế và quản trị vận hành nội dung trang quảng cáo, xây dựng nội dung câu chuyện để quảng bá sản phẩm.